Tin tức

Tin tức

"Cơ hội nào cho Uniqlo khi thâm nhập vào thị trường thời trang Việt Nam?"

2271 người xem

Chia sẻ: Facebook Twitter Google

Uniqlo tuần vừa rồi đã có những thông tin phủ sóng cực tốt trên mặt trận truyền thông, khi công bố cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam sẽ mở tại Trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Quận 1. Khi mà người tiêu dùng đang rất vui bởi một thương hiệu nổi danh bấy lâu cuối cùng cũng đã gia nhập đường đua thời trang phân khúc thời trang giá rẻ. Thế nhưng, nếu xét về tình hình hiện tại thì Việt Nam đang là quốc gia có sự cạnh tranh rất gay gắt bởi các brand thời trang “Fast Fashion”.

Các đối thủ quốc tế hiện tại đã có chỗ đứng tại Việt Nam

Theo thông báo mới nhất từ Uniqlo, cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam đặt tại trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1, TP.HCM). Chiếm tổng diện tích 3.000 m2 khắp 3 tầng, Uniqlo Đồng Khởi được quảng cáo là một trong những cửa hàng lớn nhất Đông Nam Á của hãng này. Sự gia nhập này của thương hiệu thời trang Nhật Bản đánh dấu hãng thời trang quốc tế thứ 11 có tại Việt Nam bên cạnh: Zara, H&M, Mango, Pull & Bear…

Nếu như Zara gia nhập thị trường vào năm 2016 tại Tp. Hồ Chí Minh và sau thời gian ngắn cũng tiến công ra thị trường Thủ Đô. Sau 1 năm thì đối thủ của Zara trên thế giới là H&M cũng ra mắt thị trường nội địa vào tháng 9/2017 với địa điểm không thể đẹp hơn tại TTTM Vincom Center Đồng Khởi (Quận 1). 2 thương hiệu này ngay sau đó đã bắt đầu những chiến dịch nhằm cạnh tranh giành thị phần của nhau. Với việc gia nhập sớm nên cả 2 brand này chiếm những vị trí đắc địa tại những tuyến phố trung tâm, và đôi khi cùng trên mặt tiền chúng ta thấy được sự hiện hữu của 2 thương hiệu đối đầu trực tiếp với nhau. Điều này đủ để sự cạnh tranh khốc liệt đến nhường nào, tiếp đó là giá cả 2 bên cũng tạo ra những chiết khấu và cạnh tranh nhau từng tí một về giá bán ra.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Mitra Adiperkasa Việt Nam – đơn vị vận hành các thương hiệu Zara, Pull & Bear, Stradivarius và Massimo Dutti tại Việt Nam theo báo cáo tài chính năm 2018 của Mitra Adiperkasa cho thấy hãng thu về hơn 1.973 tỷ đồng từ thị trường Việt Nam, gấp hơn 1,7 lần năm 2017 và gần 6 lần năm 2016. Trong đó, Zara đóng góp gần 90% doanh thu.

Trong khi đó, H&M Việt Nam tuy không có doanh thu bằng Zara, nhưng với việc mở 4 cửa hàng sau 1 năm thì H&M cũng có sự phát triển đáng kể về ty lệ tài chính qua từng năm,cụ thể năm 2018 hãng đã gấp 4,3 lần năm 2017. Bước phát triển của H&M Việt Nam được xem là gia tăng khi hiện nay hãng đã nâng con số cửa hàng của mình lên con số 7 ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Việt Nam được đánh giá là thị trường có sức tăng trưởng ấn tượng nhất của H&M tại khu vực Đông Nam Á.

Hai thương hiệu Zara và H&M đang có chỗ đứng rất tốt tại thị trường 97 triệu dân này và qua từng năm, sức ảnh hưởng của 2 thương hiệu kể trên đang dần gia tăng tới khách hàng. Chưa dừng lại ở đó, hiện có rất nhiều thương hiệu thời trang quốc tế cũng đang làm ăn khá tốt và có chỗ đứng tại Việt Nam đơn cử như Topshop, Gap, 2 thương hiệu này dù đã nộp đơn bảo hộ phá sản tại Mỹ nhưng vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tại đây. Có thể thấy với một thị trường trẻ, cùng với đó là sức mua của người Việt luôn gia tăng cộng thêm tư tưởng “sính ngoại”, các thương hiệu thời trang khác đang có chỗ đứng rất vững tạo ra những khó khăn nhất định với Uniqlo hiện nay khi tiến hành gia nhập.

Các thương hiệu Local Brand và làn sóng “Ủng hộ đồ Việt”

Hiện nay các thương hiệu Local Brand đang có độ phát triển khá cao trong vòng 5 năm trở lại đây khi hàng loạt các thương hiệu lớn nhỏ gia nhập thị trường. Thống kê của VIRAC cho thấy đứng trong top 10 thương hiệu thời trang chiếm thị phần cao nhất tại Việt Nam vẫn có sự góp mặt của Ivy Moda, Blue Exchange, Elise, Sanding, Lime Orange và Chik Land. Các thương hiệu mới nổi trong thời gian trở lại đây như Eva de Eva, Libé, Magonn hay Hnoss và nhiều thương hiệu thiết kế khác đang nổi lên để có thể cạnh tranh với các brand nước ngoài như Zara hay H&M.

Cuối tháng 2 vừa qua, Elise bán cổ phần cho quỹ đầu tư Nhật Bản Asia Fund. Ông Tokuo Yotaro, thành viên Hội đồng quản trị Elise, cho rằng trong thời gian tới đây, ngành thời trang Việt Nam sẽ phát triển nhanh nhất châu Á. Trong vòng hơn 1 năm qua, Hnoss và Eva de Eva cũng lần lượt nhận đầu tư từ quỹ Seedcom.

Thêm vào đó, với sự phát triển nhanh như vũ bào của các thương hiệu Việt cùng làn sóng “Người Việt ưu tiên dùng đồ Việt” cũng đã tạo nên cú hích hoàn hảo để Local Brand có chỗ đứng. Khi mà người Việt đang có sự chú ý rất lớn về chất lượng, chính bởi lý do đó mà nhiều thương hiệu nội địa hiện nay đánh rất mạnh vào tâm lý đó, tập trung cải thiện về chất lượng sản phẩm hay nâng cao về phần nhìn tổng thể Visual Merchandise tới khách hàng. Năm 2018, quy mô ngành thời trang Việt Nam ước tính khoảng 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm, dự kiến đạt 7 tỷ USD vào năm 2023, theo nghiên cứu của Seedcom.

Các thương hiệu thời trang Việt cũng là một thách thức khá lớn với Uniqlo khi họ có lợi thế sân nhà, cùng với đó là công nghệ đang được tập trung để phát triển tốt nhất trong thời đại 4.0 hiện nay. Ivy Moda là một trong những brang tập trung để phát triển công nghệ khi sử dụng công nghệ RFID trong khâu logistics nhằm quản lý chip điện tử đối với từng mã hàng, từ đó tăng năng suất của các giai đoạn kiểm kho, điều phối, vận chuyển hàng hóa…Việc này giúp hãng rút ngắn thời gian nhập liệu những mẫu mới trong hệ thống 70 cửa hàng trên toàn quốc.

Theo Nikkei, Uniqlo dự kiến tăng gấp đôi lượng điểm bán tại Đông Nam Á và châu Đại Dương, đạt 400 cửa hàng vào năm 2022. Đến tháng 8/2022, đại gia Nhật Bản này đặt mục tiêu tăng gấp 3 doanh thu tại khu vực, đạt 2,7 tỷ USD. Đây là một trong chiến lược đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu của Uniqlo lên mức gấp đôi như dự kiến, đạt 26 tỷ USD.

Trước khi chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, Uniqlo đã tổ chức sự kiện tuyển dụng lớn vào tháng 5/2017 ở TP.HCM và Hà Nội. Hiện tại, các vị trí nhân viên bán hàng cũng được mở tuyển đến cuối tháng 10.

Uniqlo hiện nay đang là thương hiệu thời trang lớn thứ 2 trên thế giới và thị phần của hãng tại Đông Nam Á đang chiếm tới 2,1% nếu so với 1,4% của H&M là đã hơn rồi. Thêm vào đó, với kinh nghiệm của một thương hiệu thời trang giá rẻ hàng đầu thế giới, cùng với sự thành công khi thâm nhập 4 thị trường trước đó tại đây thì Uniqlo xứng đáng nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng. Vẫn chưa thể nói trước được liệu Uniqlo có thể vượt qua Zara hay H&M hay không, nhưng chắc chắn Uniqlo thời điểm ra mắt sẽ thu hút sự quan tâm lớn từ giới truyền thông.

Tuyết Minh

Nguồn: Internet

Đóng

đăng ký nhận bài

Gửi email của bạn để nhận được những thông tin mới nhất của chúng tôi hàng tháng.

Vui lòng xác nhận bạn rất vui khi chúng tôi gửi email cho bạn


Đăng Ký Ngay