Tin tức

Bí Quyết Kinh Doanh Thành Công

"Làm thế nào để doanh nghiệp Việt hóa giải rào cản trước thách thức hội nhập?"

4572 người xem

Chia sẻ: Facebook Twitter Google

Xu thế hội nhập mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) phát triển, bứt phá. Tuy nhiên, thực tế nội tại hoạt động trong môi trường kinh doanh hiện nay, DN vẫn đang gặp rất nhiều rào cản chính sách, từ đó kéo giảm sức cạnh tranh.

Nguy cơ mất cơ hội từ rào cản thủ tục, giấy phép

Tại Hội thảo “Thời cơ và thách thức đối với các DN Việt Nam” do Viện Chính sách Pháp luật và Quản lý tổ chức diễn ra vào dịp dầu năm 2019, nhấn mạnh đến những thách thức của cộng đồng doanh nghiệp (DN) hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Phi - Tổng Giám đốc Ban Quản lý Các dự án phát triển nông thôn mới Việt Nam cho hay, khó khăn lớn nhất của DN nằm ở khâu thủ tục xin giấy phép sử dụng đất. Theo ông Phi, nông nghiệp là lĩnh vực cần một diện tích đất lớn để canh tác, sản xuất. Kể cả trồng trọt hay chăn nuôi cũng đều tiêu tốn một diện tích sử dụng đất không hề nhỏ. “Thế nhưng, khi DN xin giấy phép cấp đất cũng như các thủ tục khác liên quan đến lĩnh vực này thì rất khó khăn. Thường mất rất nhiều thời gian chờ đợi, có khi lên đến vài ba năm. Như vậy thì còn đâu cơ hội để sản xuất kinh doanh. Đây chính là vấn đề kéo giảm năng lực cạnh tranh của các DN hiện nay” - ông Phi nêu vấn đề.

Câu chuyện liên quan đến đất đai có lẽ là vấn đề gây ra nhiều bức bối nhất đối với các DN Việt Nam hiện nay. Nhiều DN cho rằng, muốn giải quyết nhanh thủ tục để được sớm cấp phép quyền sử dụng đất, DN phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn để “bôi trơn”. Có nghĩa là, muốn được việc thì phải mất phí, còn không thì coi như DN mất cơ hội làm ăn. Theo ông Phi, khi các DN Việt vẫn còn phải đối diện với những khúc mắc về thủ tục hành chính, về các điều kiện kinh doanh, thì mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập là rất khó.

Trong cuộc khảo sát về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 2017, số DN cho biết phải chi trả các loại chi phí không chính thức vẫn còn rất lớn. Tình trạng nhũng nhiễu trong khâu giải quyết thủ tục hành chính vẫn diễn ra… Đó là những điểm nghẽn do chính cơ chế, chính sách nội tại được các nhà quản lý “giăng” ra, mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã hết sức nỗ lực, tập trung giải tỏa các điểm nghẽn đó, song thực tế vẫn chưa thể giải quyết hết được.

Bên cạnh thách thức về vấn đề chi phí ngoài luồng, câu chuyện tiếp cận nguồn vốn vay cũng đang bó buộc sự phát triển của DN Việt. Tính đến nay, cả nước có khoảng hơn 600.000 DN, nhưng số DN quy mô lớn chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi đó có đến 96% trong số này là DN nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ. Do quy mô vốn nhỏ nên DN tư nhân thường thiếu nguồn lực, nhất là nguồn vốn để thực hiện những ý tưởng kinh doanh lớn, nhất là các dự án đầu tư công, đầu tư khoa học và công nghệ…Tiềm lực về vốn thấp, quy mô nhỏ, công nghệ trình độ quản lý cũng yếu kém… đang kéo giảm năng lực cạnh tranh của các DN trong nước.

Doanh nghiệp “kêu” về môi trường kinh doanh

Theo ông Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong xu thế hội nhập hiện nay, Việt Nam cần phải nhận định đâu là thế mạnh của mình để đầu tư phát triển. Việt Nam có thể trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, xuất khẩu nông sản, song khó có thể trở thành cường quốc về ô tô hay những lĩnh vực công nghệ cao khác. Bởi vậy, ông Chức cho rằng, chúng ta phải tận dụng đực thế mạnh của mình - thế mạnh về sản xuất nông nghiệp để đầu tư khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng… phát triển nông nghiệp công nghệ cao. “Cơ hội lớn nhất của Việt Nam không gì khác chính là nông nghiệp, song thách thức cũng nằm ở ngay nội tại lĩnh vực này. Bởi trình độ sản xuất của bà con nông dân vẫn còn rất hạn chế” - ông Chức nêu quan điểm.

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Hữu Tiến - Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và Quản lý cho rằng, thách thức hiện nay của các DN vẫn nằm ở môi trường kinh doanh. Theo ông Tiến, mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều động thái nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, trong đó có cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh…song thực tế cho thấy, mức độ hài lòng của DN vẫn chưa thực sự như kỳ vọng.  Điều này được thể hiện ở con số 70% DN kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính (Báo cáo mới nhất của VCCI công bố ngày 8/1/2019).

 “Các DN cho rằng, nếu công việc cải cách hành chính được triển khai có hiệu quả sẽ tạo ra xung lực mới cho sự phát triển của DN. Điều này là rất cần thiết để nâng sức cạnh tranh cho cộng đồng DN trong thời gian tới” - ông Tiến cho hay. Năm 2019 đang mở ra khá nhiều cơ hội tốt đẹp từ bên ngoài cho các doanh nghiệp, nhưng biến thành lợi ích thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm. Không có bữa trưa miễn phí (No free lunch) luôn đúng và đặc biệt đúng với những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tất cả nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi

 Song vẫn có nhiều cơ hội rộng mở

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, NCIF, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó 11 hiệp định có hiệu lực, chưa tính đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sau một thời gian khá dài được thông báo là đã kết thúc đàm phán (cuối năm 2015), kỳ vọng EVFTA sẽ được Quốc hội của cả hai bên thông qua. So với các nước thuộc ASEAN, Việt Nam không phải là nước có nhiều FTA, nhưng với hai hiệp định thế hệ mới là CPTPP và EVFTA, tiến trình mở cửa của Việt Nam và tham gia hội nhập toàn cầu là khá sâu. Các FTA đã đem lại lợi thế thương mại lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Tốc độ xuất khẩu tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua cũng như các mốc mới trong thu hút và giải ngân FDI là những minh chứng cho các tác động tích cực này.

Năm 2019 là năm bắt đầu triển khai CPTPP và cũng là năm EVFTA trở nên hiện thực hơn, vì vậy có thể coi là một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Vậy cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam là gì? Cơ hội từ hai hiệp định mới khá lớn đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp.

Thứ nhất, đây là các hiệp định mà cam kết cắt giảm về thuế quan tương đối sâu và nhanh. Với xuất khẩu từ Việt Nam, hầu như trên 80% số dòng thuế được các nước cam kết về 0 ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Rất nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thủy sản, đồ gỗ, nông sản nằm trong nhóm thuế suất bằng 0% ngay tại thời điểm này tại thị trường Nhật hoặc Canada. So với các hiệp định khác với Việt Nam, trong CPTPP, Nhật Bản đã mở cửa hơn nhiều, đặc biệt là với hàng nông sản. Tương tự như vậy, với EVFTA, 85,6% số dòng thuế được EU đưa về 0% ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực. Việc các quốc gia mở cửa thị trường nhanh với Việt Nam trong khi vẫn cho phép Việt Nam có lộ trình mở cửa chậm hơn tạo ra lợi thế khá tốt cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, những hiệp định này đều là với các thị trường phát triển mà nền kinh tế Việt Nam có tính bổ sung cao, thay vì cạnh tranh trực tiếp. Nói một cách đơn giản là chúng ta có nhiều cơ hội xuất khẩu những thứ mà các quốc gia thành viên đang cần và cũng là những thứ mà chúng ta đang có. Điều này đem đến một lợi thế lớn với các doanh nghiệp ở nhóm ngành thâm dụng lao động hiện nay của Việt Nam. Những đánh giá gần đây về cả CPTPP và EVFTA cho thấy, những nhóm ngành hưởng lợi lớn là dệt may (sản lượng tăng trên 30% so với khi không có hiệp định EVFTA, hoặc trên 8% đối với CPTPP).

Thứ ba, cơ hội tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới ở châu Mỹ cũng như tận dụng mức cam kết mở cửa sâu hơn với các FTA hiện nay. Tham gia CPTPP và EVFTA cũng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có năng lực thỏa thuận cao hơn trong trường hợp Mỹ quay lại hoặc dự kiến có một thoả thuận song phương, cũng như khi Việt Nam tham gia vào các FTA khác. Đặc biệt hơn, các hiệp định này có thể giúp Việt Nam giảm phụ thuộc thương mại (chủ yếu xuất khẩu) vào một số đối tác truyền thống mà sự phụ thuộc đó có thể kéo theo sự phụ thuộc về các lĩnh vực khác.

Thứ tư, tác động về thu hút đầu tư FDI là tương đối đáng kể, mặc dù hiện nay chưa có một mô hình nào lượng hoá được tác động này. Về nguyên tắc, các hiệp định thương mại đều có ảnh hưởng đến dòng vốn di chuyển giữa các quốc gia. Thu hút FDI đến từ ba khía cạnh của một FTA: (1) các thoả thuận trực tiếp liên quan đến đầu tư, trong đó quan trọng là các cam kết về mở cửa đầu tư, bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp trong đầu tư, đặc biệt là giữa nhà đầu tư với chính phủ; (2) các cam kết khác liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư và thương mại làm cho chi phí đầu tư giảm cũng như cân đối giữa chi phí đầu tư và chi phí thương mại thay đổi; (3) cam kết về cắt giảm thuế quan thường đi kèm với tỷ lệ xuất xứ nội địa hoặc xuất xứ nội khối, do đó nhà đầu tư có thể đầu tư để sản xuất hàng xuất khẩu tới các quốc gia tham gia hiệp định để hưởng thuế suất ưu đãi.

“Năm 2019 đang mở ra khá nhiều cơ hội tốt đẹp từ bên ngoài cho các doanh nghiệp, nhưng biến thành lợi ích thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm. Không có bữa trưa miễn phí (No free lunch) luôn đúng và đặc biệt đúng với những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do” - TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, NCIF, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã đưa ra nhận định.

 Ngoài ra, tận dụng những xu hướng mới của thế giới để đi trước đón đầu cũng là một chiến thuật mà doanh nghiệp Việt có thể áp dụng để thành công tại thị trường trong nước cũng như quốc tế. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia, dù nhu cầu hiện nay là rất lớn, nhưng sức cạnh tranh trong việc cung cấp các sản phẩm/dịch vụ có “chứng nhận quốc tế” hoặc thân thiện với môi trường chưa thật sự gay gắt. Điều này cũng có nghĩa, chỉ một tỷ lệ nhỏ người tiêu dùng toàn cầu tiếp cận được với “thực phẩm sạch” và “dịch vụ xanh hoặc có chứng nhận quốc tế” của doanh nghiệp. Vì thế, cung cấp những sản phẩm/dịch vụ có “chứng nhận” ví dụ Công ty du lịch A không tham gia tiếp tay cho các hoạt động du lịch gây tổn hại đến sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cũng là một thị trường vô cùng hấp dẫn đối với người kinh doanh, dự báo sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển. 

 Hồng Thụy

 

Đóng

đăng ký nhận bài

Gửi email của bạn để nhận được những thông tin mới nhất của chúng tôi hàng tháng.

Vui lòng xác nhận bạn rất vui khi chúng tôi gửi email cho bạn


Đăng Ký Ngay