Tin tức

Tin tức

"Xu hướng Digital tác động tới ngành thời trang trong năm 2020"

2023 người xem

Chia sẻ: Facebook Twitter Google

Xu hướng Digital đang ảnh hưởng lên ngành thời trang như nào trong năm 2020? Thời trang vẫn luôn là một ngành trọng điểm của nền kinh tế toàn thế giới, tuy nhiên nó vẫn không thể tránh được những ảnh hưởng có phần tiêu cực từ xu hướng Digital, cũng như sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ. Mặc dù công nghệ mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội, cuộc sống con người, và cả cho các doanh nghiệp nhưng đồng thời nó cũng là mối đe dọa cho những nhà bán lẻ truyền thống trong ngành, điển hình là những thương hiệu lớn như H&M, American Apparel, Gap, Guess hay Abercrombie & Fitch. Cụ thể xu hướng Digital đang ảnh hưởng như nào tới ngành thời trang hiện nay?

Có thể nói, thời trang đang là ngành phải chịu nhiều tác động nhất bởi công nghệ kỹ thuật số. Nhiều chuyên gia đã nhận định, yếu tố này được xem như một mối đe dọa tới những thương hiệu bán lẻ truyền thống. Minh chứng là trong năm 2017, tập đoàn bán lẻ Fung Global Retail & Technology đã phải đóng cửa gần 7.000 cửa hàng bán lẻ của mình trên toàn nước Mỹ. Con số này thậm chí còn vượt xa thời điểm 2008 – là lúc diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế. Thậm chí nhiều lãnh đạo của tập đoàn H&M còn nhận định rằng, xu hướng “đóng cửa” này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng và lan rộng ra toàn thế giới, chứ không chỉ riêng tại Mỹ nữa.
Rất nhiều thương hiệu thời trang truyền thống đang không bắt kịp để thích ứng với sự thay đổi. Dĩ nhiên họ đã và đang phải gánh chịu những hậu quả từ việc này, điển hình là sự sụt giảm trong doanh thu. Tính riêng tập đoàn H&M, mức doanh thu trong quý tài chính thứ tư năm 2017 đã giảm 4%. Lý do chính cho sự sụt giảm này, mà theo như những nhận định, đánh giá của ban điều hành thì H&M đã không kịp thích ứng với xu hướng chuyển dịch từ bán hàng truyền thống sang trực tuyến, mà trong đó cần sự phát triển và đổi mới về công nghệ.
Ảnh hưởng của xu hướng Digital không chỉ tác động vào doanh thu của thương hiệu, nó đã tác động lên mọi khía cạnh và yếu tố của ngành thời trang hiện nay. Từ khâu sản xuất, chuỗi cung ứng cho đến Marketing và bán hàng. Tất cả những yếu tố như các thiết bị, nền tảng kỹ thuật số cho đến điện thoại di động, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo hay sự bùng nổ của thương mại điện tử. Tất cả đều tạo nên sự chuyển dịch trong thị trường nói chung và ngành thời trang nói riêng. Dưới đây là 4 xu hướng Digital sẽ định hình lại cách mà ngành thời trang hoạt động trong năm 2020.

Thương hiệu bán lẻ trực tuyến đang chiếm thế thượng phong 

Như đã đề cập ở trên, nhiều tập đoàn, thương hiệu thời trang truyền thống đang bị tụt lại trong việc bắt kịp với xu hướng Digital trong ngành. Họ đang không thể bắt kịp với thị trường trực tuyến trong thời điểm hiện tại, tạo ra một khoảng trống giữa doanh nghiệp và khách hàng. Trong khi đó, những thương hiệu “trực tuyến thuần túy” như Amazon, Zalando hay Boohoo thì đang nổi lên như một thế lực lớn, lấp đầy được khoảng trống đó. Trong năm 2015, Amazon sở hữu 5% thị trường thời trang tại Mỹ, đến năm 2020 con số này dự kiến sẽ tăng lên 14%. Về doanh thu sản phẩm may mặc, Amazon sẽ đạt mốc tăng trưởng gấp 4 lần, từ 18,5 tỷ đô trong năm 2017 lên 85 tỷ đô trong năm 2020. Không chỉ riêng Amazon, rất nhiều thương hiệu bán lẻ trực tuyến tại các quốc gia cũng đều chứng kiến mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang.
Ưu điểm của những nhà bán lẻ thuần trực tuyến đến từ việc họ không chỉ mang lại một nền tảng bán sản phẩm thời trang trực tuyến, họ còn mang lại được trải nghiệm mua sắm tuyệt vời cho khách hàng. Những thương hiệu bán lẻ trực tuyến đã thực hiện việc lắng nghe, cũng như thấu hiểu nhu cầu của người tiêu dùng rất hiệu quả. Nó là kết quả của việc vận dụng được những đột phá trong công nghệ như mạng xã hội, những công cụ phân tích dữ liệu tân tiến và trí tuệ nhân tạo. Họ có thể nhanh chóng xử lý, thích ứng với những Insight thu thập được của khách hàng thông qua những công nghệ Digital, sau đó kết hợp chúng vào trong quy trình được ra quyết định. Có thể chốt lại rằng, nếu các thương hiệu thời trang không thể bổ sung được yếu tố công nghệ vào trong mô hình kinh doanh, cũng như không thể đáp ứng được đầy đủ những nhu cầu của khách hàng, dĩ nhiên họ sẽ phải chịu cảnh bại trận trong thị trường, cũng như dần mất đi thị phần của mình.
Sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng đang định hình lại ngành thời trang
Công nghệ đang định hình lại những nhu cầu, hành vi và hành động của người tiêu dùng trong ngành thời trang. Giờ đây khách hàng có nhiều quyền lực hơn, đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định sản phẩm nào nên được tạo ra, cũng như khi nào được tạo ra. Thay vì đến những cửa hàng truyền thống, người tiêu dùng giờ đây dành thời gian cho mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Điển hình là thế hệ Millennials, họ đang chuyển dịch từ mua sắm truyền thống sang trực tuyến nhiều tới mức, cứ 3 người sẽ có 2 người lựa chọn mua sắm trực tuyến các sản phẩm thời trang. Một báo cáo của McKinsey về hành vi mua sắm thời trang trực tuyến đã chỉ ra, có tới 74% người tiêu dùng trực tuyến đưa ra quyết định mua hàng do ảnh hưởng từ mạng xã hội.

Xu hướng người tiêu dùng sử dụng những công cụ, nền tảng Digital để mua sắm thời trang đang ngày càng tăng lên. Nhiều chuyên gia đã nhận định, việc kinh doanh trực tuyến các sản phẩm thời trang, điển hình là may mặc và giày dép sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh trong những năm tiếp theo. Chính vì vậy, những thương hiệu thời trang truyền thống cần có biện pháp, cũng như hành động ngay lập tức nếu muốn tồn tại trong thị trường. Quan trọng nhất chính là việc bổ sung yếu tố công nghệ, đầu tư vào việc áp dụng những mô hình kinh doanh tân tiến hơn, cũng như tìm cách tương tác với khách hàng thông qua các kênh Digital, từ đó mang lại cho họ một trải nghiệm mua sắm trực tuyến tuyệt vời nhất.
Trí tuệ nhân tạo đang “lăm le” ngành thời trang
Năm 2017 đánh dấu sự kiện, lần đầu tiên trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng cho ngành thời trang. Trong đó, xu hướng này chắc chắn sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai. Bởi lẽ trí tuệ nhân tạo mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, điển hình là dự đoán được những xu hướng thời trang, hay là giúp các thương hiệu quyết định được việc nên bán sản phẩm gì, cũng như thời điểm bán phù hợp. Thậm chí, những chương trình AI tân tiến hơn còn có thể tìm hiểu sở thích cá nhân của người tiêu dùng, từ đó thiết kế các mặt hàng phù hợp với phong cách cá nhân của họ. Rất nhiều thương hiệu bán lẻ thời trang lớn như Amazon, Walmart đã và đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong khâu vận hành của họ.
Điển hình nhất chính là sự xuất hiện của Chatbot, nó giúp cho việc chăm sóc khách hàng trở nên đơn giản hơn và ngay cả phía khách hàng, họ cũng thấy thuận tiện và thoải mái hơn khi trò chuyện với Chatbot. Hiện nay, chỉ tính riêng Amazon đã có khoảng 100.000 robot được sử dụng trên toàn thế giới, phục vụ cho mục đích đóng gói và vận chuyển sản phẩm. Với Walmart, ông lớn này lại sử dụng AI cho việc giám sát khả năng sử dụng, thay thế và hạn sử dụng của sản phẩm. Rất nhiều thương hiệu thời trang lớn như Dior, VF Corporation hay Nike cũng đang ứng dụng Chatbot, trợ lý ảo AI vào trong mô hình kinh doanh, nhằm mục đích cải thiện trải nghiệm mua sắm cho khách hàng. Chính những xu hướng này mà có thể khẳng định rằng, trong năm 2020 sẽ đánh dấu việc ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo cho nhiều mục đích, từ quản lý chuỗi cung ứng cho tới chăm sóc khách hàng. Nếu doanh nghiệp thời trang không thể bắt kịp được xu hướng này, chắc chắn họ sẽ trở nên thụt lùi và bị những đối thủ bỏ xa trong cuộc chơi.
Không thể áp dụng cùng một phương pháp cho tất cả khách hàng, bởi vì cá nhân hóa trải nghiệm sẽ lên ngôi!
Với dữ liệu Digital cùng những công cụ phân tích xu hướng, doanh nghiệp bán lẻ thời trang giờ đây có thể tùy ý cá nhân hóa dịch vụ của mình. Giờ đây, người tiêu dùng đang tương tác với những công cụ, nền tảng Digital ngày càng nhiều hơn, đồng nghĩa họ cũng cho đi rất nhiều thông tin và dữ liệu cá nhân. Vậy nên một doanh nghiệp muốn thành công, họ sẽ cần tận dụng được những dữ liệu đó, thông qua những dữ liệu khách hàng và công cụ phân tích. Nhờ vậy, các thương hiệu bán lẻ thời trang có thể tìm được chính xác sở thích của từng cá nhân khách hàng. Thay vì phải phụ thuộc vào các nhóm tập trung hoặc khảo sát khách hàng, giờ đây các doanh nghiệp bán lẻ thời trang có thể thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, từ đó tiếp cận đến họ một cách hiệu quả hơn. Thông qua việc thu thập dữ liệu số, cùng sự hỗ trợ của các công cụ phân tích, những dữ liệu này còn có thể dự đoán được nhu cầu của khách hàng. Thậm chí với những công cụ hiện đại hơn, doanh nghiệp còn có thể hiện đại hóa chuỗi cung ứng của họ và cắt giảm được những phần thừa.
Sự thay đổi và phát triển trong xu hướng Digital và công nghệ đã và đang thay đổi ngành thời trang một cách toàn diện. Người tiêu dùng giờ đây yêu cầu những trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa hơn. Trong cuộc chiến lần này, những thương hiệu bán lẻ trực tuyến thuần túy là những người có lợi thế, bởi lẽ họ hiểu được xu hướng này và liên tục thay đổi mô hình kinh doanh để bắt kịp được sự thay đổi, đáp ứng được những nhu cầu mới của khách hàng. Đây chính là mối đe dọa lớn nhất với những thương hiệu bán lẻ thời trang truyền thống. Nếu họ muốn tồn tại trong cuộc chiến này, họ chỉ có cách phải thay đổi mình để thích ứng được xu hướng, ứng dụng mô hình kinh doanh tập trung vào khách hàng bằng cách áp dụng những công nghệ mới. 

Tuấn Anh

Nguồn: Internet


 

Đóng

đăng ký nhận bài

Gửi email của bạn để nhận được những thông tin mới nhất của chúng tôi hàng tháng.

Vui lòng xác nhận bạn rất vui khi chúng tôi gửi email cho bạn


Đăng Ký Ngay