Tin tức

Doanh nhân 4.0

"Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường"

1888 người xem

Chia sẻ: Facebook Twitter Google

Trong quá trình phát triển và hướng tới mục tiêu bền vững trước đây, các Diễn đàn Phát triển bền vững (PTBV) rất ít khi đề cập đến vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân mà thường nói nhiều đến vai trò của Chính phủ, người dân, các tổ chức nghiên cứu khoa học và tổ chức phi chính phủ.

Ngày nay, cùng với quá trình của Hội nhập kinh tế thế giới, quan niệm trên đã thay đổi. Thực tế cho thấy, trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu gần 580 tỷ USD (2010), thì hơn một nửa được đầu tư vào các nước đang phát triển và nguồn vốn này nhiều hơn 4 lần so với nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA (gần 130 tỷ USD). Và hơn hết, nhận thức của các doanh nghiệp tiên phong về vấn đề mội trường không chỉ là vấn đề trách nhiệm xã hội mà còn là cơ hội kinh doanh tiềm năng.
Thực hiện Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam Chương trình Nghị sự 21 và chủ trương của Chính phủ, VCCI đã thúc đẩy và hỗ trợ tham gia của doanh nghiệp trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. VCCI đã thành lập Văn phòng doanh nghiệp Việt Nam vì sự phát triển bền vững năm 2006 và Hội đồng doanh nghiệp quốc gia vì sự phát triển bền vững năm 2010. Bên cạnh việc xúc tiến và thúc đẩy các công việc trách nhiệm xã hội doanh nghiệp ở trong nước, các tổ chức này cũng tăng cường hợp tác quốc tế trong Khu vực Tiểu vùng sông Me kong, ASEAN, APEC…
Trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 1 năm 2015, VCCI đã tổ chức 31 khóa tập huấn về sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho 2.226 cán bộ quản lý, điều hành đến từ 1.492 doanh nghiệp tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. 
VCCI cũng tham gia tư vấn về thể chế và hỗ trợ các doanh nghiệp lập Báo cáo Bền vững (BCBV). Đây là loại hình báo cáo rất phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn khá xa lạ đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Điểm ưu việt của BCBV là ở chỗ, nó trình bày đầy đủ thông tin về tất cả hoạt động cũng như tác động đáng kể của một doanh nghiệp về các mặt quản trị, kinh tế, xã hội và môi trường. BCBV cho biết hiệu quả sử dụng các nguồn vốn tài chính, xã hội và tự nhiên của doanh nghiệp.
Thêm vào đó, VBCSD cũng đang xây dựng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững với mục tiêu mang đến cho doanh nghiệp một công cụ giúp họ tự đo lường và đánh giá hiệu quả phát triển bền vững dựa trên 3 tiêu chí: kinh tế, xã hội và môi trường. Hiện nay VCCI cũng đang có kế hoạch lồng ghép các chỉ số trên vào các chương trình đánh giá chỉ số tín nhiệm doanh nghiệp và niêm yết trên thị trường chứng khoán
Giải pháp thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp
Với sự biến đổi không ngừng của môi trường kinh doanh và nhận thức trách nhiệm của doanh nghiệp cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa khai thác tiềm năng và thúc đẩy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi xin đề xuất 5 giải pháp để thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Thứ nhất, xây dựng tôn chỉ, mục đích của công tác bảo vệ môi trường một cách cụ thể, khả thi, định lượng và có lộ trình. Đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm kinh tế thông qua các tiêu chuẩn đo đếm được đối với việc đánh giá doanh nghiệp trong thực hiện chính sách bảo vệ môi trường
Thứ hai, việc xây dựng các thỏa thuận đối tác kinh tế phản ánh lợi ích hài hòa giữa Doanh nghiệp và Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường. Ví dụ như công tác xử lý môi trường sẽ liên quan nhiều đến công nghệ và kỹ năng, tay nghề cao đòi hỏi phát triển đào tạo cho người lao động để làm việc cho doanh nghiệp. Trong quá trình đó, Chính phủ chắn chắn phải có chính sách đào tạo kỹ năng mới cho người lao động và về phía doanh nghiệp cũng cần lao động tay nghề cao. Ở lĩnh vực này sẽ có nhiều không gian giành cho sự hợp tác đối tác giữa chính phủ và doanh nghiệp
Thứ ba, xây dựng và triển khai chính sách về bảo vệ môi trường, đặc biệt là chính sách liên quan đến giá của các sản phẩm, dịch vụ có tính chất bảo vệ môi trường của doanh nghiệp (như năng lượng tái tạo…) đảm bảo cho doanh nghiệp tính toán được chi phí, lợi nhuận trong chiến lược và kế hoạch quản lý kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ này. 
Thứ tư, tăng cường chính sách cụ thể khuyến khích dòng tài chính doanh nghiệp chuyển đổi từ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh truyền thống đang ô nhiễm và ảnh hưởng môi trường sang lĩnh vực thân thiện với môi trường và bền vững hơn.
Cuối cùng, thực tế cho thấy, mới chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp Việt Nam, thường là các tập đoàn, công ty lớn thực sự đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào cốt lõi chiến lược và chương trình hoạt động của mình. Còn lại đa số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ - SME (chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước) vẫn chưa gắn liền hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường. Cần có chính sách thúc đẩy SME sao cho chính họ có thể có lợi ích trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Việc sửa đổi Luật doanh nghiệp vừa qua liên quan đến Doanh nghiệp xã hội là một hướng đi tích cực. Tuy nhiện cần xây dựng các chính sách triển khai thực tế loại hình doanh nghiệp này.
Cùng với chính sách mở rộng HNKTQT và phát triển bền vững kinh tế xã hội của Chính phủ, vai trò và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng quan trọng trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. VCCI với tư cách là cơ quan đại diện cho doanh nghiệp mong muốn hợp tác với tất cả quý vị trong việc thông tin, tư vấn, đào tạo và tham mưu và xây dựng triển khai chính sách bảo vệ môi trường.
TS. Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Theo Vietnam Business Forum

Đóng

đăng ký nhận bài

Gửi email của bạn để nhận được những thông tin mới nhất của chúng tôi hàng tháng.

Vui lòng xác nhận bạn rất vui khi chúng tôi gửi email cho bạn


Đăng Ký Ngay