Tin tức

Doanh nhân 4.0

"Nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững thông qua việc thực hiện CSR"

2116 người xem

Chia sẻ: Facebook Twitter Google

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một cam kết kinh doanh nhằm cư xử đạo đức và đóng góp cho sự phát triển kinh tế cùng với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và gia đình của họ cũng như chất lượng cuộc sống của cộng đồng và xã hội nói chung.

Bối cảnh hội nhập toàn cầu
Thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 đang chứng kiến một thế giới (3C) ngày một thay đổi nhanh chóng (Change) do sự phát triển của kinh tế thị trường và khoa học công nghệ. Chính những sự thay đổi này sẽ mang lại cho chúng ta cả nhưng thách thức (Challenge) và cơ hội (Chance). Chưa bao giờ tương lai chứa đựng nhiều câu hỏi như hiện nay. Chưa bao giờ tương lai lại phụ thuộc nhiều vào những gì mà doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự đang làm ngày hôm nay. Cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu ở cuối thập kỷ trước đã tác động đến lòng tin của người dân vào doanh nghiệp và chính phủ ở các quốc gia. Trong thời kỳ này, rõ ràng những hành động phối hợp nhanh chóng và triệt để là rất cần thiết ở nhiều cấp độ đối với các đối tác khác nhau để khôi phục lòng tin, sự hợp tác và tìm ra lời giải cho nhiều vấn đề hóc búa mà xã hội đang phải đối mặt. Ý nghĩa mới của vấn đề cấp bách này giúp thiết lập các điều kiện cần thiết để hướng tới sự tăng trưởng (thường chỉ tập trung vào tăng trưởng GDP) toàn cầu lên một lộ trình bền vững hơn.
Thủ tướng Anh, ông David Cameron cho rằng: "Đã đến lúc chúng ta thừa nhận rằng có nhiều thứ trong cuộc sống hơn là chuyện tiền bạc, và đã đến lúc chúng ta phải tập trung không chỉ vào GDP mà còn vào cả GWB (General Wellbeing - hạnh phúc nói chung)". Giáo sư Paul Krugman, người đoạt giải thưởng nobel kinh tế năm 2008 lập luận rằng: “ Yếu tố cốt lõi của hạnh phúc là việc có công ăn việc làm. Ngoài việc tạo thu nhập ổn định, có công ăn việc làm còn giúp một người tự tin và thỏa mãn lòng tự trọng. Vì thế, cần phải tạo ra nhiều công ăn việc làm nếu muốn giúp công chúng hạnh phúc hơn”
Như vậy trong xu hướng toàn cầu hóa, phát triển bền vững không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là sự phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR)
CRS là vấn đề không hề mới nhưng vẫn giữ nguyên tính hấp dẫn đối với doanh nghiệp, với nhà đầu tư, với người tiêu dùng và toàn xã hội.
Có rất nhiều định nghĩa về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong số đó, Uỷ ban kinh tế thế giới về phát triển bền vững định nghĩa: "trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một cam kết kinh doanh nhằm cư xử đạo đức và đóng góp cho sự phát triển kinh tế cùng với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và gia đình của họ cũng như chất lượng cuộc sống của cộng đồng và xã hội nói chung". Doanh nghiệp mong muốn phát triển bền vững luôn phải tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên và phát triển cộng đồng.
Dù có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng hơn một thập kỷ qua, số lượng các công ty trên toàn thế giới nhận ra lợi ích kinh tế của các chính sách và biện pháp CSR đang ngày một gia tăng. Những cam kết CSR vượt ra khỏi mong muốn gia tăng lợi nhuận, và cho thấy công ty đã nhận thức một cách đầy đủ về trách nhiệm của mình tới nhân viên, khách hàng, cộng đồng và môi trường. Nhiều công ty đã sử dụng CSR như một hướng kinh doanh mới khi nhận ra rằng nó có thể giúp nâng cao vai trò của nhà quản trị, cải thiện tình hình tài chính, nâng cao động cơ làm việc của các nhân viên, đẩy mạnh lòng trung thành của khách hàng cùng danh tiếng công ty đối với xã hội.
Những cơ hội hay thách thức từ việc áp dụng CSR đối với các công ty trên toàn thế giới cũng như Việt Nam về cơ bản đã thấy rõ. Nhận thức về CSR có thể coi như một chỉ số tỷ lệ thuận với sự thành công của công ty đó trên con đường phát triển. Các tập đoàn đa quốc gia (multi-national corporation) hay các công ty có thương hiệu mạnh đều áp dụng một cách có hệ thống bộ tiêu chuẩn quy tắc ứng xử (code of conduct hay code of Ethics) và các tiêu chuẩn như SA8000, WRAP, ISO 14000, GRI ... và coi đó như một sự cam kết của công ty đối với thế giới. Những người khổng lồ đang chi trả rất nhiều tiền để trở thành một hình mẫu kinh doanh lí tưởng để đảm bảo trở thành một hệ thống có sức cạnh tranh cao, phát triển bền vững và để trở nên có trách nhiệm hơn với xã hội. Điển hình có hãng điện dân dụng Best Buy với việc áp dụng chương trình tái chế sản phẩm. Starbucks, hãng cà phê có mặt khắp ngóc ngách của hành tinh, đã bắt tay vào hàng loạt các hoạt động cộng đồng. Công cụ tìm kiếm vô địch Google với trụ sở Googleplex đối xử với nhân viên như vàng ngọc. Ngoài việc đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhân viên, bảo vệ môi trường, và phát triển các sản phẩm tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng và môi trường, các công ty còn xây dựng quỹ và làm từ thiện đóng góp vào sự phát triển của xã hội và cộng đồng. Royall Dutch Shell, tập đoàn giàu khí lâu đời, đã thành lập các quỹ từ thiện, trong đó có việc xây dựng trung tâm giáo dục Early Learning Centre ở Nam Phi nhằm giáo dục trẻ em và dạy kĩ năng cho người trưởng thành. Ngân hàng thế giới World Bank và hãng dược phẩm Merck đã đưa ra sáng kiến nhằm phát triển nguồn quỹ lên 50 triệu đôla Mỹ trong đó có cả việc tặng sản phẩm Mectizan để giúp 28 nước Châu Phi loại trừ bệnh tật. Các tỷ phú cùng với quỹ của công ty cũng đóng góp rất nhiều vào việc làm từ thiện như Bill Gates hay Warren Buffett.
Ở các nước phát triển, chi phí trách nhiệm xã hội dành cho việc nghiên cứu và phát triển chiếm nhiều hơn so với các chi phí dùng để làm từ thiện, mặc dù chi phí làm từ thiện cũng không hề nhỏ. Tóm lại, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững của doanh nghiệp đảm bảo tính hiệu quả, tuân thủ pháp luật và thực hiện đạo dức kinh doanh ở các nền kinh tế khác nhau.
Ở Việt Nam, mục tiêu phát triển bền vững ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt và trở thành yêu cầu cấp thiết. Đối với Việt Nam, năm nay là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020 được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với quan điểm “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược” và tiếp tục khẳng định: “Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp Việt Nam cần hướng về những mục đích bền vững này của đất nước. Trong những năm gần đây cùng với đường lối đổi mới và mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước đã đem lại những thành tựu đầy ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội nước ta, làm thay đổi căn bản của hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Toàn cầu hoá kinh tế là một xu hướng khách quan tạo nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia, nhất là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trước hết là nguồn nhân lực, tạo nhiều công ăn việc làm, giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội và không ít thách thức. Một trong những thách thức đó chính là việc là thực hiện "Trách nhiệm của Xã hội của Doanh nghiệp" liên quan đến một số nội dung chủ yếu thuộc lĩnh vực lao động và môi trường, thông qua những "Bộ Quy tắc ứng xử" (Code of Conduct).
Trong xu thế toàn cầu hoá với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và quyết liệt, mỗi nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp đều phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, trong đó tăng khả năng cạnh tranh về nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt đối với nước ta là một nước có nguồn lao động dồi dào, có ưu thế về khả năng cạnh tranh của những ngành kinh tế sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thuỷ sản, hàng thủ công mỹ nghệ… càng có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như mở rộng xuất khẩu. Câu hỏi "liệu doanh nghiệp có nên chủ động đầu tư vào trách nhiệm xã hội hay họ chỉ nên tập trung vào lợi nhuận?" tiếp tục tồn tại và nảy sinh trong chương trình kinh doanh của doanh nghiệp.
Các tập đoàn lớn thì cho rằng "hai điều đó thực ra không khác nhau, ứng xử một cách có trách nhiệm với xã hội sẽ mang lại sự giàu có trong tương lai!". Nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thì chưa thể thực hiện được các chứng chỉ trong Bộ quy tắc ứng xử và rất khó thể hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.Vậy những DNNVV có nên thực hiện CSR? Câu trả lời là nên! Bởi những DN không tuân thủ CSR có thể sẽ kém cạnh tranh trong tiếp cận thị trường quốc tế nhất là các thị trường phát triển.Thực hiện CSR về trung hạn và dài hạn sẽ đạt được những lợi ích : giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới. Theo nghiên cứu khảo sát của Viện khoa học Lao động và Xã hội Việt Nam trên 24 DN thuộc hai ngành dệt may và da giầy đã chỉ ra rằng nhờ thực hiện các chương trình CSR, doanh thu của các DN này đã tăng 25%, năng suất lao động cũng tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Ngoài hiệu quả kinh tế, các DN còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao.
Có thể nói, trong quá trình cạnh tranh và phát triển bền vững đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ tập trung vào 2 xu hướng:
- Doanh nghiệp cần thông qua sản phẩm và dịch vụ của mình tạo ra những hành vi và phong cách sống bền vững trong xã hội
- Đổi mới và sáng tạo trong quá trình thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi sẽ tạo ra những nguồn lực dồi dào và bền vững cho doanh nghiệp.
Thực hiện CSR của doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, các doanh nghiệp Việt Nam luôn phải quan tâm đến môi trường xã hội trong công việc sản xuất kinh doanh của mình. Xu hướng trên toàn thế giới ngày càng chú ý nhiều hơn tới những nhân tố khuyến khích doanh nghiệp đối xử có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm trong cải thiện quan hệ xã hội, môi trường và đạo đức, văn hoá ở doanh nghiệp. Các nhà đầu tư thường quan tâm tới những yếu tố cơ bản như kinh tế vĩ mô, quản trị đất nước và uy tín của doanh nghiệp họ trên những thị trường với những tiêu chuẩn cao. Từ đó thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với động lực của thị trường trên cơ sở nâng cao tiêu chuẩn lao động có thể mang lại lợi ích kinh tế, sự cân bằng hài hoà giữa mục tiêu kinh tế và xã hội và như vậy sẽ nâng cao được thương hiệu của mình.
Việc thực hiện CSR ở Việt Nam được thực hiện mạnh mẽ trong việc đề cao tính hiệu quả và tôn trọng pháp luật của doanh nghiệp. Việc tôn vinh các doanh doanh nghiệp có xu hướng đưa thêm các tiêu chí liên quan đến các vấn đề xã hội và môi trường. Năm 2005, nước ta đã có giải thưởng "CSR hướng tới sự phát triển bền vững" được tổ chức bởi Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương cùng các hiệp hội Da giày, Dệt may tổ chức, nhằm tôn vinh các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác CSR trong bối cảnh hội nhập. Đã có rất nhiều doanh nhân làm từ thiện gắn với hình ảnh của công ty... Một số doanh nghiệp đã đưa CSR vào chiến lược kinh doanh của mình như chương trình xã hội ‘6 triệu ly sữa cho trẻ em Việt Nam’ và quỹ học bổng ‘Đèn đom đóm’ của những thương hiệu lớn như Vinamilk, Dutch Lady gây được tiếng vang và được người tiêu dùng ủng hộ. Ngoài ra chúng ta cũng có các hoạt động ủng hộ thiên tai, bão lụt của các doanh nghiệp và doanh nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc thực hiện CSR còn tương đối khó khăn. Trước hết đó là sự hiểu biết của doanh nghiệp về CSR chưa đầy đủ, doanh nghiệp chỉ hiểu đơn thuần là làm từ thiện trích từ lợi nhuận mà chưa hiểu rằng việc thực hiện CSR phải được tích hợp ngay trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc làm thứ hai tác động đến việc thực hiện CSR là do áp dụng những hệ thống quy tắc ứng xử du nhập từ quốc tế - nơi mặt bằng vật chất cao so với mặt bằng vật chất của Việt Nam. Trong khi đó doanh nghiệp thiếu nguồn tài chính, và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực CSR đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, mà phần lớn DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa. Hơn nữa, việc triển khai thực hiện CSR còn thiếu các chính sách, pháp luật đồng bộ và hệ thống tiêu chuẩn phù hợp với mặt bằng kỹ thuật và xã hội. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là vấn đề tất yếu đi liền với kinh doanh ở các nước phát triển nhưng ở Việt Nam, các doanh nghiệp phần lớn chỉ thực hiện do mang tính bắt buộc hay từ thiện tâm của người đứng đầu doanh nghiệp. Đó là hai quan niệm kinh doanh hoàn toàn khác nhau.
Chính vì vậy, để thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tốt nhất nên có một hiệp hội hoặc tổ chức giám sát và tư vấn cho doanh nghiệp và Nhà nước nên tạo ra những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện CSR. Ngoài ra, việc quảng bá CSR sâu rộng sẽ giúp ngăn chặn ngay từ đầu những thảm họa do việc thiếu ý thức trách nhiệm xã hội của những doanh nghiệp kinh doanh bất chấp những hậu quả về môi trường và xã hội. Những bài học đắt giá vừa qua là khi vụ việc đã vỡ lở thì các cơ quan quản lý mới ráo riết tìm phương án giải quyết trong khi hậu quả thì người tiêu dùng và xã hội đã phải gánh chịu.
Trong quá trình phát triển bền vững đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, của các tổ chức xã hội, người tiêu dùng, của các nhà khoa học và đặc biệt là sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhận thức rõ vấn đề này và để triển khai Chương trình Nghị sự 21 (Agenda 21) của Chính phủ, được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, quý 4 năm 2010 VCCI đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam. Một trong những nội dung cơ bản của Hội đồng là góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững thông qua việc thực hiện CSR. Diễn đàn “Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế toàn cầu” ngày hôm nay của chúng ta là một bước đi quan trọng nhằm thực hiện mụctiêu tổng quát của Hội đồng cho đến năm 2020 là xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bền vững, năng động và hội nhập thành công trong thế kỷ 21, đóng góp quan trọng vào công cuộc thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Với việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế toàn cầu, chúng ta sẽ phác họa thêm 1 chữ C cho bức tranh sinh động của thế giới (4C) trong hội nhập kinh tế toàn cầu: 3C (Change, Challenge, Chance) + 1 (CSR).
TS Đoàn Duy Khương
Phó Chủ tịch VCCI, Đồng Chủ tịch VBCSD

 

Đóng

đăng ký nhận bài

Gửi email của bạn để nhận được những thông tin mới nhất của chúng tôi hàng tháng.

Vui lòng xác nhận bạn rất vui khi chúng tôi gửi email cho bạn


Đăng Ký Ngay