Tin tức

Doanh nhân 4.0

"Vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp thành công"

3455 người xem

Chia sẻ: Facebook Twitter Google

Bí quyết để doanh nghiệp thành công không thiếu. Thế nhưng, bí quyết thành công của doanh nghiệp này chưa hẳn mang lại thành công cho doanh nghiệp khác. Vậy vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp thành công nằm ở đâu? Theo TS. Alok Bharadwaj – Cựu phó chủ tịch cao cấp, phụ trách chiến lược trên 23 quốc gia của Canon châu Á, để có thể tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung quan tâm 3 vấn đề: xây dựng đề xuất giá trị, thiết lập mô hình kinh doanh và tối ưu trải nghiệm khách hàng.

Chọn mô hình kinh doanh

Một trong những nguyên nhân thất bại chủ yếu của các doanh nghiệp chính là sự quên lãng quy tắc vàng “Kinh doanh quan trọng nhất không phải là tiền mặt, nhân tài, mà là mô hình”. Xác định được mô hình đúng, mọi hoạt động kinh doanh sẽ xuôi chèo mát mái kiểu như đầu xuôi đuôi lọt.

Mô hình kinh doanh phản ánh cách một doanh nghiệp kiếm ra tiền. Để xây dựng một mô hình kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp cần trả lời 9 câu hỏi cốt lõi: Khách hàng của doanh nghiệp là ai, giá trị cung cấp cho khách hàng là gì, các kênh phân phối, kênh quan hệ khách hàng, dòng doanh thu, những hoạt động chính, những nguồn lực chính, các đối tác chính cũng như cấu trúc chi phí của doanh nghiệp.

Khi các ngành công nghiệp thay đổi, các công ty không thể tiếp tục mãi ứng dụng một mô hình kinh doanh lỗi thời, tiêu biểu là thất bại của các hãng taxi truyền thống trước Uber, Grab - những đối thủ thậm chí còn không sở hữu chiếc taxi nào trong tay. Bằng cách xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp có thể hoạch định chiến lược phát triển công ty, xác định vị trí trong chuỗi giá trị ngành cũng như tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững.

Xây dựng đề xuất giá trị cho khách hàng

Chọn xong mô hình, doanh nghiệp cần đề xuất giá trị cho khách hàng. Đây là một thuật ngữ được nhắc đến ngày càng nhiều trên thế giới những năm gần đây. Đề xuất giá trị bao gồm tất cả những lợi ích hữu hình và vô hình doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng, giải thích lí do tại sao khách hàng nên mua sản phẩm cũng như cách sản phẩm khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.

Không có gì ngạc nhiên khi những công ty lớn nhất thế giới là những công ty chi mạnh tay nhất cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Năm 2017, việc đầu tư nhiều nhất thế giới vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm đã góp phần giúp giá trị thị trường của Amazon, lần đầu tiên trong lịch sử, vượt mặt gã khổng lồ Microsoft và giữ ở mức 685 tỷ USD (Tháng 2/2018), chỉ xếp sau Apple với 815 tỷ USD vốn hóa và Alphabet, công ty mẹ của Google, với 750 tỷ USD vốn hóa. Nghiên cứu sản phẩm cũng đồng nghĩa tạo cho sản phẩm những giá trị “tinh thần” khác ngoài những giá trị về lợi ích và chức năng sản phẩm. Những giá trị này đem lại sự thu hút và khác biệt cho doanh nghiệp. Disney là một trong những hãng phim hoạt hình lớn nhất thế giới, hình ảnh của họ gắn liền với những câu truyện cổ tích và thế giới động vật. Chính vì thế, Disney đã không ngừng thực hiện rất nhiều các hoạt động bảo tồn các giống loài động vật hoang dã như một lời khẳng định rằng những câu truyện cổ tích mà họ đem đến bắt nguồn từ chính sự kỳ diệu và bí ẩn của một thế giới hoang dã đang tồn tại trên trái đất. Và khách hàng không chỉ đang tận hưởng những thước phim mà đang trải nghiệm chính cuộc sống hoang dã trên hành tinh này.

Trong thị trường cạnh tranh ngày một khốc liệt như hiện nay, nghiên cứu và phát triển sản phẩm là yêu cầu bức thiết đối với các doanh nghiệp, giúp phân bổ những nguồn lực khan hiếm hiệu quả, hỗ trợ bán hàng, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp.

Tối ưu trải nghiệm khách hàng

Nếu không tối ưu được trải nghiệp cho khách hàng thì xem như doanh nghiệp chưa thành công. Trải nghiệm khách hàng là sự tổng hợp tất cả những ấn tượng của một khách hàng trong thời gian sử dụng dịch vụ, được đo lường liên tục tại mọi điểm chạm với khách hàng. Trải nghiệm khách hàng đã và đang là yếu tố hàng đầu tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, thay cho yếu tố giá và chất lượng sản phẩm như trước đây.

Starbucks là case study thành công nổi tiếng của việc tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Nhờ việc tạo ra "nơi thứ 3" giữa nhà ở và văn phòng, nơi khách hàng tới không chỉ để uống cafe mà còn để tận hưởng không gian thiết kế và trò chuyện với bạn bè, Starbucks đã trở thành chuỗi cà phê lớn nhất thế giới với gần 27.000 cửa hàng, 238.000 nhân viên và doanh thu lên đến 22,39 tỷ USD mỗi năm.

Tập trung vào trải nghiệm khách hàng, doanh nghiệp có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn, nâng cao doanh thu cũng như nâng cao vị thế thương hiệu đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Bất kể quy mô của công ty hay ngành nghề hoạt động, áp lực cạnh tranh và cải tiến liên tục đang đè nặng lên vai các nhà lãnh đạo. Cải tổ doanh nghiệp để thích nghi liên tục là vấn đề sống còn của mỗi doanh nghiệp.

Chi Mai

Đóng

đăng ký nhận bài

Gửi email của bạn để nhận được những thông tin mới nhất của chúng tôi hàng tháng.

Vui lòng xác nhận bạn rất vui khi chúng tôi gửi email cho bạn


Đăng Ký Ngay