Tin tức

Tin tức

"Cần sớm xây dựng một luật về bảo vệ Động vật hoang dã tại Việt Nam"

2269 người xem

Chia sẻ: Facebook Twitter Google

Đó là kiến nghị của bà Trần Thị Quốc Khánh, Đại biểu Quốc Hội, Ủy viên thường trực Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường của Quốc Hội tại Tọa đàm về chính sách bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp của một số nước khu vực Châu Á – Kinh nghiệm đối với Việt Nam lần thứ hai do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Văn phòng Quốc hội Việt Nam tổ chức ngày 30/6/2020 tại Tòa nhà Quốc Hội. Dưới đây là những ý kiến của các Đại biểu Quốc Hội và các cán bộ đến từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội đã đánh giá cao ý nghĩa của buổi Tọa đàm. Ông cho rằng Tọa đàm rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, khi mà chúng ta đang hướng tới sự phát triển bền vững. Đặc biệt sau đại dịch covid-19, các chính sách bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp là hết sức cần thiết trong bối cảnh này. Ông Cường cũng cho biết hiện nay vẫn còn một số vướng mắc trong các quy định về ĐVHD như vướng mắc trong truy cứu trách nhiệm hình sự (ví dụ như định nghĩa thế nào là bộ phận tách rời), trong xử lý vật chứng…         Ông cũng đánh giá về tổ chức thực hiện, các cơ quan hữu quan đã rất quan tâm qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, tăng cường thanh tra. Ông kiến nghị cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, trách nhiệm của cán bộ công chức. Luật An Ninh Mạng cần nghiêm cấm việc buôn bán ĐVHD qua mạng. Luật Bưu chính: cần bổ sung quy định kiểm tra các loại hàng hóa liên quan đến vùng miền. 

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội, chia sẻ Việt Nam được đánh giá là có hệ thống pháp lý tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, quy định pháp luật của Việt Nam có nói đến vấn đề cấm vận chuyển, buôn bán và tàng trữ ĐVHD nhưng chưa cấm sử dụng. Như vậy coi như mới chỉ cấm một nửa, mới cấm bên ngoài, chưa cấm bên trong. Chúng ta cần phải can thiệp vào hành vi sử dụng.       Trong đại dịch covid-19 vừa rồi, công tác truyền thông đã hình thành tâm lý sợ, hay nói cách khác là tâm lý tự bảo vệ mình trong cộng đồng. Có thể nói đây là một cơ hội tốt nhất để chúng ta tận dụng tâm lý này để đẩy mạnh các dự án truyền thông không sử dụng ĐVHD. Nếu đẩy mạnh truyền thông không sử dụng ĐVHD trong bối cảnh này sẽ có những tác động vô cùng hiệu quả. Có thể nói bây giờ đang là thời điểm vàng để thúc đẩy các dự án tuyên truyền về ĐVHD. 
Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc Hội cho rằng Tọa đàm này rất hữu ích đối với những người làm có liên quan đến luật pháp như ông. Ông cũng rất muốn tham thảo thêm kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế xem hiện nay trên thế giới có nước nào cấm sử dụng ĐVHD và có bao nhiêu nước đã áp dụng luật cấm sử dụng ĐVHD? Mức xử phạt cho hành vi thực hiện giữa người bán và người mua là như thế nào? Chia sẻ thêm về kết quả ấn tượng nhất mà các nước trên thế giới đã đạt được trong việc đấu tranh chống tội phạm hoang dã? Theo ông thì công ước đối xử giữa người mua và người bán tham khảo từ nước ngoài áp dụng vào luật pháp việt nam rất khó khăn. Ví dụ như luật Thủy sản, tìm chỗ nào có quy định, ở lâm nghiệp có sử dụng được 4 cụm từ buôn bán, 11 cụm từ mua bán. Ở Việt Nam, khi mà đưa vào sử dụng cụm từ mua bán, có nghĩa là xử lý cả người mua, lồng vào đó là từ sử dụng.
Bà Trần Thị Quốc Khánh, Đại biểu Quốc Hội, Ủy viên thường trực Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường của Quốc Hội, đã chia sẻ tại Tọa đàm: Sử dụng động vật hoang dã thể hiện sự tham lam của con người về thiên nhiên. 

     ĐVHD góp phần vào việc cân bằng hệ sinh thái. Nên rất cần nhiều hội thảo, tọa đàm như thế này không chỉ để nâng cao nhận thức con người về thiên nhiên để tránh những đại dịch trong tương lai như dịch covid-19 mà còn để không tàn sát thiên nhiên. Bà nghiệm thấy nước nào tiêu thụ ĐVHD là thiên nhiên nổi giận. Đại dịch covid-19 chính là một sự phản ứng từ thiên nhiên do con người tác động vào. Bà cũng kiến nghị cần sớm xây dựng một luật về bảo vệ ĐVHD.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục Cảnh sát Môi trường
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh có trình bày nhiều khó khăn hiện nay trong quá trình thực thi pháp luật: ví dụ như trong bộ luật hình sự năm 2015, điều 244 chưa có quy định cụ thể về trọng lượng bao nhiêu có thể truy tố, cụ thể như vẩy tê tê châu phi thì chưa có quy định bao nhiêu vẩy tê tê có thể truy tố; Chưa có văn bản nào quy định cơ quan nào có thẩm quyền đối với tang vật là ĐVHD nên gây khó khăn trong việc bàn giao vật chứng; Đối với tang vật là động vật đã chết hay những bộ phận từ cơ thể ĐVHD, hiện nay cơ quan địa phương chưa có kho đông lạnh để bảo quản nên khó khăn trong việc đi thuê kho đông lạnh và bảo quản vật chứng;
Ông Quỳnh đề xuất cần có quy định cụ thể để quy đổi tang vật là ĐVHD như đối với sừng tê giác và ngà voi; Cần xem xét quy định xử lý vật chứng trong các vụ án tạm đình chỉ điều tra; bố trí kho đông lạnh cho các địa phương để bảo quản ĐVHD và xem xét việc bàn giao ĐVHD cho cơ sở tư nhân đủ điều kiện nuôi giữ để xem xét việc tái thả. Xác định rõ cơ quan chuyên môn để công tác bàn giao vật chứng là ĐVHD vừa đúng quy định, vừa hiệu quả.
Ông Trần Trọng Anh Tuấn, Cục Bảo tồn đa dạng thiên nhiên và sinh học
Ông Tuấn báo cáo về việc rà soát liên quan đến các loài nuôi và được ưu tiên bảo vệ. Vấn đề quản lý các loài nuôi này, nghị định 06, cấp phép và được quản lý. Trong quá trình triển khai cón gặp một số vấn đề sau:
- Thiếu sự thống nhất trong các danh mục
- Công ước Cites: các danh mục còn chưa rõ
- Các vấn đề quy định: các nội dung chưa được đưa vào tranh luận, thiếu quản lý các loài được nuôi và các loài được bảo vệ nên xảy ra vấn đề khai thác tận diệt, quản lý loài di cư chưa đưa vào văn bản pháp luật, chưa làm rõ vấn đề thương mại và phi thương mại đối với các loài.
- Về kiểm lâm, mới tập trung vào việc bảo vệ rừng, thiếu chuyên môn về bảo tồn đa dạng sinh học
Đề xuất danh mục điều chỉnh các loài nguy cấp quý hiếm và các loài quý hiếm, các loài được phép nuôi vì mục đích thương mại và các loài chỉ được phép nuôi vì mục đích bảo tồn; Bổ sung kiểm lâm có chuyên môn về đang dạng sinh học; Bổ sung chính sách hỗ trợ những người sống ở rừng để ngoài việc bảo vệ rừng còn bảo vệ loài ở trong rừng; Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và xã hội hóa đa dạng sinh học.

 

Đóng

đăng ký nhận bài

Gửi email của bạn để nhận được những thông tin mới nhất của chúng tôi hàng tháng.

Vui lòng xác nhận bạn rất vui khi chúng tôi gửi email cho bạn


Đăng Ký Ngay