Tin tức

Tin tức

"Chiến lược kích hoạt doanh nghiệp, đối phó Covid-19 và tìm cơ hội phát triển doanh nghiệp."

1392 người xem

Chia sẻ: Facebook Twitter Google

7 chiến lược kích hoạt hạnh phúc gồm: Kích hoạt trái tim yêu thương, cảm thông, quan tâm; Kích hoạt sống ý nghĩa mong muốn giúp đỡ người khác, vượt khỏi bản thân; Kích hoạt ý chí vượt khó; Kích hoạt sự tò mò, tìm hiểu những kiến thức mới; Kích hoạt khát khao vươn lên vượt qua chính mình; Kích hoạt nhu cầu tự quản; Kích hoạt nhu cầu thấu hiểu hệ thống, minh bạch hệ thống.
Ba mục tiêu xây dựng hướng tới trước tiên là xây dựng phong trào nhóm nhỏ học tập, mở rộng thành phong trào học tập tìm hiểu các cách làm mới, năng lực mới. Nhóm nhỏ mới hoạt động hiệu quả, linh hoạt và dễ quan sát, điều chỉnh. Nhóm nhỏ mới thân thiết, gắn kết mạnh. Đo lường trên số lượng và mức độ hài lòng, vui, hạnh phúc của các nhóm.
Thứ hai là xây dựng phong trào thiết kế, sáng tạo, thiết kế sản phẩm mới, dịch vụ mới, trải nghiệm mới, hệ thống làm việc, tương tác mới. Đo lường trên số lượng và chất lượng của các sáng kiến.
Thứ ba là xây dựng hệ thống trong suốt, mọi người đều nhìn rõ mục tiêu của nhau, công việc và nỗ lực của nhau, gia tăng hiệu quả phối hợp công việc. Đo lường trên độ trong suốt tại từng vị trí và tổng thể.
Chúng ta luôn có nhu cầu quan tâm đến những người xung quanh từ hàng ngàn năm nay. Chính nhờ vậy loài người mới phát triển. Trong doanh nghiệp, lâu nay, chúng ta thường quên đi nhu cầu tinh thần quan tâm, cảm thông, yêu thương người khác.
Chúng ta hạnh phúc khi yêu thương và được yêu thương, tôn trọng và được tôn trọng, cảm thông và được cảm thông. Chúng ta muốn sống trong một tập thể mạnh mẽ đầu tiên là từ cách mọi người đối xử với nhau. Trong khó khăn, gian khổ con người càng dễ yêu thương quan tâm nhau hơn.
Để kích hoạt trái tim, doanh nghiệp cần xây dựng lối giao tiếp theo tinh thần tích cực, yêu thương. Lo lắng, quan tâm hỏi thăm chân thành với nhau. Động viên lẫn nhau cả những lúc thất bại. Ghi nhận thành quả của nhau khi thành công. Khen ngợi lẫn nhau khi có thể hiện nỗ lực.
Con người luôn có khát vọng hiểu được ý nghĩa điều mình đang làm, ý nghĩa của toàn bộ tập thể, tổ chức. Khi chúng ta hiểu ý nghĩa, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc sâu hơn, mạnh mẽ hơn, vượt qua khó khăn dễ dàng hơn.
Để kích hoạt sống có ý nghĩa, cần làm rõ ý nghĩa của toàn bộ tổ chức. Làm rõ ý nghĩa chức năng của đội nhóm. Làm rõ ý nghĩa từng vị trí. Làm rõ ý nghĩa từng nhiệm vụ (tasks, routines) mọi người thường làm. Xây dựng ý nghĩa chung cao đẹp và thực sự hướng mọi hành động theo các ý nghĩa này. Tuyên truyền nội bộ những thành quả, thành công đơn lẻ gắn chặt với ý nghĩa chung.
Khi gặp khó khăn, con người sẽ chọn ở lại chiến đấu hoặc đầu hàng bỏ chạy. Khó khăn càng lớn càng cần những con người có ý chí mạnh mẽ vượt qua khó khăn, thách thức.
Khi tuyên truyền làm rõ những con người có ý chí vượt khó khăn, chúng ta xây dựng hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn dựa trên sự nỗ lực của từng thành viên và phối hợp cùng tập thể.
Mọi người càng tin mạnh mẽ họ có thể làm được khi người bên cạnh của họ đứng lên chiến đấu vượt qua khó khăn và thành công.
Để kích hoạt ý chí, cần tuyên truyền nội bộ về những câu chuyện ý chí vượt khó, đặc biệt săn tìm những câu chuyện thành công nội bộ với cách làm mới. Xây dựng niềm tin chung về nỗ lực sẽ tìm được lời giải, cách làm mới để đối phó tình huống mới. Làm rõ những nỗ lực, cách tư duy đi tìm lời giải, các cách vượt qua thất bại, nản chí.
Khi còn bé, ai trong chúng ta cũng tò mò với mọi thứ xung quanh mình. Đáng tiếc thay, nhà trường, gia đình và chính chúng ta đã không nuôi dưỡng sự tò mò, muốn khám phá những kiến thức mới, học cách làm này.
Để kích hoạt sự tò mò, những điều cần làm là sắp xếp kiến thức bắt nguồn bằng các câu hỏi.
Lãnh đạo bằng cách đặt câu hỏi. Lãnh đạo làm gương bằng cách đi tìm các câu hỏi mới, các câu trả lời mới, sắp xếp lại thành hệ thống. Động viên, khen ngợi, tưởng thưởng cho các cách đặt câu hỏi mới hiệu quả, cách trả lời mới, lời giải mới.
Luôn đặt câu hỏi: Có cách làm mới tốt hơn không? Xây dựng thư viện và thói quen đọc sách tạo sự dễ dàng cho việc đi tìm câu trả lời.
Con người ai cũng muốn vươn lên. Khát khao vươn lên có sẵn trong mỗi con người. Điều chúng ta thường làm chưa tốt là làm rõ cách vươn lên, các bước, các chiến lược cần làm để mỗi con người vượt qua chính mình. Chính vì vậy chúng ta vươn lên quá khó khăn và tin rằng vươn lên là trả giá, vất vả.
Thực ra vươn lên rất dễ và vui, khi chúng ta càng chiến thắng chính mình, chúng ta càng có tự tin và dám ước mơ lớn hơn.
Những điều cần làm để kích hoạt khát khao vươn lên: Xây dựng tư duy cùng thắng, đồng đội cùng thắng. Làm rõ điểm phải vượt qua chính mình của từng người. Đặt những mục tiêu hàng ngày vừa sức, có độ rướn, khó nhưng nằm trong tầm tay nếu nỗ lực. Phối hợp nỗ lực giúp đồng đội vươn lên, giúp đồng đội chiến thắng. Lãnh đạo hướng dẫn, làm rõ những điều cần làm để đạt mục tiêu nếu người đó chưa rõ. Hỗ trợ giải quyết các rào cản, đặc biệt là rào cản nội bộ cho việc thực thi. Tập hợp các phương thức giải quyết vấn đề sáng tạo và chia sẻ các cách tư duy mới này.

Con người luôn có khát vọng tự do, tự quản lý công việc và cuộc sống của chính mình. Đối với từng người, việc tự quản thể hiện năng lực của chính mình cho vị trí mình nắm giữ ở mức độ cao nhất. Đáng tiếc, phần lớn chúng ta không được học, rèn luyện việc tự quản. Đúng ra chúng ta cần được học từ phổ thông việc tự quản.
Những điều cần làm để kích hoạt nhu cầu tự quản là chốt trên kết quả, khuyến khích mọi người tự quản cách làm từng người, tự điều chỉnh khi tình huống thay đổi. Xây dựng tinh thần tự quản, cam kết, chịu trách nhiệm trên từng việc cá nhân thực thi. Cấp quản lý chuyển dần sang chức năng hỗ trợ, huấn luyện và thiết kế hệ thống thay vì giám sát, quản lý công việc của mọi người.
Khi chúng ta hiểu cách hệ thống hoạt động, chúng ta dễ thích ứng hơn, dễ tìm ra những chỗ cần cải tiến, sáng tạo. Chúng ta dễ hướng đến toàn bộ hệ thống hiệu quả hơn chứ không cải tiến cục bộ để rồi gây hại cho hệ thống, ví dụ sản xuất ào ạt gây tồn kho cao, cải tiến chỗ này nhưng chi phí phát sinh chỗ khác.
Những điều cần làm để kích hoạt nhu cầu thấu hiểu hệ thống, minh bạch hệ thống gồm: Minh bạch mục tiêu, các phương thức thực hiện, kết quả thực hiện. Đo lường trên tổng thể hiệu quả của hệ thống. So sánh cải tiến cục bộ với hiệu quả chung. Liên tục làm rõ hoạt động từ tổng thể đến chi tiết. Đo lường sự “trong suốt” của hệ thống, mọi người có hiểu được công việc của đồng đội.
Các chiến lược này có tác động qua lại tạo hiệu ứng cộng hưởng, tập trung tổng thể. Khi bạn triển khai một hướng, chắc chắn bạn sẽ gặp vô vàn khó khăn. Khi có cái nhìn tổng thể, sắp xếp hợp lý các bước triển khai và kiên trì, bạn sẽ thấy bất ngờ về sức mạnh yêu thương, tích cực, tự quản, vươn lên, sống ý nghĩa bên trong từng con người. Đặc biệt khi triển khai tập thể, điều này lại dễ diễn ra hơn nhiều so với cá nhân. Đây là điểm then chốt rất hiếm người nhìn thấy.
Bản chất, một doanh nghiệp mạnh sẽ có phần năng lực lõi là bộ niềm tin, nguyên tắc mạnh mẽ hơn; phương thức giao tiếp, truyền cảm hứng, truyền năng lượng hiệu quả hơn; phương thức tư duy, đi tìm lời giải sáng tạo hơn; phương thức chia sẻ, huấn luyện lẫn nhau hiệu quả hơn; phương thức phối hợp rõ ràng, minh bạch trong suốt để mọi người biết cách phối hợp và cải tiến hiệu quả.
Dù doanh nghiệp của bạn có đang ở trong tình trạng nào, khó khăn, thuận lợi cỡ nào, bạn cũng cần một loạt góc nhìn mới, tư duy mới, cách làm mới được đổi mới liên tục. Đó là cách chúng ta cùng thiết kế để tạo ra cái “bình thường mới” chứ không thụ động ngồi chờ.
Trần Xuân Hải, CEO Missionizer
 

Đóng

đăng ký nhận bài

Gửi email của bạn để nhận được những thông tin mới nhất của chúng tôi hàng tháng.

Vui lòng xác nhận bạn rất vui khi chúng tôi gửi email cho bạn


Đăng Ký Ngay